Với việc Hy Lạp vẫn chưa thoát khỏi bất ổn, Tây Ban Nha đối mặt với chi phí vay nợ cao nguy hiểm, không ít người đang tự hỏi nếu đổ vỡ xảy ra tại châu Âu, quốc gia nào tại châu Á sẽ bị ảnh hưởng lớn nhất…
Trong khi đó tình hình khó khăn với Tây Ban Nha (TBN) dường như đang lên cao. Trong phiên đấu giá trái phiếu đêm qua, quốc gia này đã phải chấp nhận trả cho nhà đầu tư mức lãi suất 5,07% đối với trái phiếu kì hạn 12 tháng và 5,11% cho kỳ hạn 18 tháng, tăng 2 điểm % so với lần đấu giá cách đây 1 tháng.
Đây là những mức lãi suất ngắn hạn cao kỷ lục kể từ khi đồng Euro ra đời. Lãi suất cho trái phiếu kỳ hạn dài hơn của nước này cũng đã vượt 7%. Rõ ràng niềm tin của các nhà đầu tư vào kinh tế TBN đang ngày càng giảm sút. Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu nền kinh tế lớn thứ 4 châu Âu đổ vỡ, kéo theo các nước khác trong EU? Và châu Á sẽ bị tác động ra sao?
Kinh nghiệm từ khủng hoảng tài chính thế giới 2008 cho thấy, mặc dù toàn châu Á sẽ bị ảnh hưởng khi kinh tế thế giới chao đảo, mức độ nghiêm trọng sẽ khác nhau tùy thuộc vào độ gắn kết về thương mại và tài chính của mỗi quốc gia với thế giới cũng như sự sẵn sàng về dự trữ ngoại hối, một công cụ giúp NHTW và chính phủ có thể tung ra các chương trình cắt giảm lãi suất.
Nhìn chung, các nước châu Á có nhiều dư địa hơn phương Tây trong việc thực hiện các chính sách kích thích chi tiêu chính phủ và hạ lãi suất. Dù vậy kể từ năm 2008 đến nay, đã có không ít thay đổi và một số nước, đáng chú ý là Ấn Độ, Việt Nam và Nhật Bản sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi đối diện bất ổn.
"Như đã từng thấy trong vụ ngân hàng Lehman, một khi hệ thống tài chính toàn cầu bị chao đảo, không ai có thể tránh khỏi tác động của nó", Richard Jerram, kinh tế trưởng của Bank of Singapore trả lời tờ Wall Street Journal.
Trong bối cảnh đó, một khi Hy Lạp không thể đáp ứng các cam kết và từ bỏ đồng Euro, hoặc EU không thể đáp ứng yêu cầu cứu trợ của Tây Ban Nha và Italia, các cổ phiếu và tiền tệ các nước châu Á sẽ trượt dốc, các tuyến đường biển sẽ thưa thớt tàu trở hàng trong khi các khoản vay cho cá nhân và doanh nghiệp bị hạn chế. Hậu quả cuối cùng là kinh tế tăng trưởng chậm lại.
Các nền kinh tế dựa nhiều nhất vào xuất khẩu như: Singapore, Hong Kong, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Thái Lan và Malaysia nhiều khả năng sẽ chịu ảnh hưởng nặng nhất nếu kinh tế EU đổ vỡ. Hiện kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc với các mặt hàng như ôtô, điện thoại…chiếm tới 50% GDP. Với Đài Loan, tỉ lệ này còn lên tới 70%.
"EU vẫn còn là thị trường xuất khẩu lớn của các nước trong khu vực và không thể dễ dàng thay thế, ít nhất là trong ngắn hạn", Sanjay Mathur, nhà kinh tế của ngân hàng Hoàng gia Scotland nói. Bên cạnh đó, các nền kinh tế dựa nhiều vào nguồn vốn từ các ngân hàng nước ngoài cùng vốn FDI cũng sẽ bị tác động.
Theo ước tính của IMF, trong giai đoạn khủng hoảng 2008, cứ mỗi 1% vốn cho vay bị các ngân hàng nước ngoài rút khỏi châu Á, các ngân hàng trong nước sẽ phải rút đi 0,6% tín dụng cấp cho các doanh nghiệp nhỏ và các nhà xuất khẩu.
Là các trung tâm tài chính, Singapore và Hong Kong là những nơi có mối gắn kết chặt chẽ nhất với các ngân hàng EU và sẽ chứng kiến sự sa thải nhân công lớn trong ngành này. Trong khi đó, dư nợ hiện tại của Malaysia với các ngân hàng châu Âu chiếm tới 20% GDP, một mức cao trong khu vực. Trung Quốc, một nước có hệ thống tài chính khá khép kín, sẽ ít bị ảnh hưởng hơn.
Một số nền kinh tế gắn kết chặt nhất về thương mại và tài chính vẫn có khá nhiều công cụ để ngăn chặn đà suy giảm. Hong Kong và Singapore vẫn đang bơm nhiều vốn để giúp các hộ gia đình và doanh nghiệp trụ vững. Một số quốc gia khác đã có những bước đi tích cực sau khủng hoảng 2008 để giúp họ bớt bị tác động nếu tình hình xấu đi.
Sau khi chứng kiến hệ thống tài chính chao đảo và đồng nội tệ mất giá tới 50% trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vừa qua, Hàn Quốc giờ đây đã củng cố dự trữ ngoại hối. Hệ thống ngân hàng của nước này cũng lệ thuộc ít hơn vào các nguồn vốn ngắn hạn từ nước ngoài. Thái Lan lại chọn cách tăng lương tối thiếu và thu nhập của nông dân để bảo vệ các hộ gia đình nếu xuất khẩu sụt giảm.
Dù vậy, nhiều quốc gia châu Á khác lại không có nhiều lựa chọn như ở thời điểm 2008 và 2009. Hiện Nhật Bản đang lúng túng với mức nợ công lên tới 200% GDP cũng như không còn dư địa cho các chính sách tiền tệ sau khi lãi suất đã ở mức cực thấp. Ngân hàng trung ương nước này cũng đã tung ra nhiều chương trình mua trái phiếu lớn. Ngoài ra, Nhật Bản cũng lo ngại đồng Yên có thể tăng giá, làm cho xuất khẩu sụt giảm cùng lúc với nhu cầu từ châu Âu đối với hàng hóa nước này suy yếu.
Ấn Độ hiện cũng dễ bị ảnh hưởng hơn năm 2008 do thâm hụt tài khoản vãng lai ở mức cao hơn. Điều đó có nghĩa là hệ thống tài chính nước này cần nhiều vốn hơn từ nước ngòai để trụ vững. Một khi thị trường toàn cầu chao đảo, Ấn Độ sẽ khó có được nguồn vốn đó.
Bên cạnh đó nợ chính phủ cũng đã lên cao khiến chính quyền New Delhi gặp trở ngại trong việc triển khai các gói kích thích. NHTW nước này thì đang mắc kẹt giữa đà tăng trưởng chậm và lạm phát kéo dài, khiến việc cắt giảm lãi suất cũng khó thực hiện. Dự trự ngoại hối của Ấn Độ cũng mỏng hơn thời điểm 2008.
Với Việt Nam, quốc gia này hiện đang gặp nhiều khó khăn do kinh tế tăng trưởng chậm và lạm phát cao (dù gần đây lạm phát đã giảm tốc). Nhưng không giống như Ấn Độ, Việt Nam lệ thuộc nặng nề vào xuất khẩu sang châu Âu, vốn chiếm tới 13% GDP. Các ngân hàng nước này đang chịu gánh nặng từ việc tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ trong năm 2009, khiến cho việc thực hiện các chương trình kích thích mới khó hiệu quả.
Trung Quốc, với dự trữ ngoại hối lớn có thể tung ra các gói kích thích mới, lại vừa khẳng định họ có thể không muốn tăng trưởng quá nhanh mà sẽ hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Nếu Trung Quốc không kích thích tăng trưởng, điều đó có nghĩa là các quốc gia láng giềng khó được hưởng lợi, trong đó có nhiều nước xuất khẩu hàng hóa như Australia và Malaysia.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét