Ông Vũ Xuân Thành, Chánh thanh tra Bộ VH-TT-DL, cho rằng đề án không khai ấn vào đêm 14 tháng giêng, phát ấn bắt đầu từ 7 giờ sáng ngày 15 tháng giêng, đã đạt kết quả tương đối tốt. Trước đó, trên các phương tiện thông tin đại chúng, ban tổ chức lễ hội đã thông báo ấn được phát hết tháng giêng. Tuy nhiên chỉ sau một ngày phát ấn, nhà đền không tiếp tục phát với lý do "hết ấn". Ông Thành cho rằng, trước đây, ấn chỉ được phát trong một tiếng, phát hết thì thôi. Theo ông, khó có thể dự trù được việc hết ấn, hay lên kế hoạch sản xuất bao nhiêu ấn cho đủ. Như vậy, "không thể nói là ban tổ chức lừa dân được" (?).
Chen chân nhận ấn đền Trần trong sáng 15 tháng giêng - Ảnh: Minh Sang
Trao đổi bên lề hội nghị, ông Nguyễn Chí Bền, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam - đơn vị chủ trì đề án Tổ chức lễ hội đền Trần Nam Định 2012 - cho biết: "Nhà đền cũng như những người thực hiện đề án đã tính toán số lượng ấn gần gấp đôi năm ngoái là 25 vạn ấn, trong khi năm ngoái chỉ là 14 vạn rưỡi. Nhưng chúng tôi không thể ngờ nhu cầu của người dân quá lớn". Ông Bền bày tỏ: "Dự báo vẫn chỉ là dự báo, khó có thể chuẩn xác được, việc thừa hay thiếu rất dễ xảy ra. Nhà đền cũng phải tính, nếu như có số lượng ấn thừa cũng rất khó khăn cho họ. Vì muốn hay không, cần phải có số lượng giấy nhất định để đóng ấn". Ông cũng thừa nhận: "Đây chắc chắn là bài học kinh nghiệm cho chúng tôi trong việc tổ chức lễ hội năm sau".
Còn tồn tại nhiều vấn đề
Theo ông Vũ Xuân Thành, qua kiểm tra, nhiều lễ hội đã có sự chuyển biến tích cực như lễ hội chùa Hương, lễ hội Yên Tử. Nhiều nơi đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, ban quản lý di tích, ban quản lý lễ hội, Giáo hội Phật giáo... Ông cho hay, ở một số lễ hội vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề. Khi kiểm tra tại đền Bà Chúa Kho, vẫn thấy xuất hiện việc đốt đồ mã, mất vệ sinh, đặt tiền giọt dầu bừa bãi. Ông Thành cho rằng tăng cường quản lý bao nhiêu thì vẫn rất khó xử lý triệt để vì nhiều hiện tượng "song hành" với lễ hội.
Rất nhiều người dân bức xúc vì đến đền Trần nhưng không nhận được ấn. Ông Bền cho biết: "Trước mắt chúng tôi đề nghị Tỉnh ủy Nam Định, UBND TP.Nam Định, cũng như nhà đền chọn giải pháp tối ưu, giải quyết tình huống này, đáp ứng được phần nào mong muốn của người dân". Theo ông, in "nối bản" ấn có thể là một phương án, tuy nhiên "đây là chuyện tâm linh, cần được sự đồng thuận của các cụ nhà đền". Ông Bền cho hay, giải pháp sẽ khẩn trương được đưa ra trong thời gian sớm nhất, nhưng cụ thể là khi nào thì vẫn chưa được biết.
Tình trạng nhận ấn - bỏ tiền vào hòm công đức, đưa tiền - đặt ấn từ nhiều tháng trước cho thấy lá ấn tiếp tục bị thương mại hóa. Ông Bền nói: "Tôi không phủ định không có chuyện mua bán ở đây. Nhưng trong thực tiễn chúng ta đành phải chấp nhận". Trước khi Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam đưa ra phương án tổ chức lễ hội đền Trần Nam Định 2012, trong đó có việc khai và phát ấn, nhà đền đã tự ý nhận đặt ấn của người dân. Như vậy, vấn đề đặt ra là nhà quản lý đề ra phương án, nhưng chủ thể lễ hội có thực sự mong muốn hay không? Giữa hai bên có sự đồng nhất?... Ông Bền cho hay: "Đây là câu chuyện quản lý di sản hiện nay. Một số nhà nghiên cứu đã áp dụng quan điểm UNESCO là đánh giá cao vai trò của cộng đồng trong việc quản lý di sản. Tuy nhiên, thực tế cộng đồng lại có rất nhiều vấn đề". Cũng theo ông Bền, không phải là tất cả, nhưng tại một số lễ hội, xung đột lợi ích là cực kỳ phức tạp. Vì vậy, có hiện tượng các lễ hội nở rộ, biến tướng. Việc quản lý lễ hội trở nên rất khó khăn.
Ngọc An
Thứ Hai, 5 tháng 3, 2012
Bai hoc tu le hoi den Tran
Công tác tổ chức lễ hội đền Trần tiếp tục là vấn đề được quan tâm tại hội nghị Triển khai kế hoạch công tác năm 2012, do Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch (VH-TT-DL) tổ chức ngày 9.2 tại Tuần Châu, TP.Hạ Long (Quảng Ninh). Theo www.baomoi.com
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét