Thứ Ba, 6 tháng 3, 2012

Tim dau nhung con song khong om

- Đất nước mình nhiều sông, lắm núi. Thử hỏi có con sông nào không bị ốm? Núi đã mòn, sông đã cạn. Ôi những con sông bị ốm, những dãy núi nham nhở những vết thương rồi sẽ về đâu? Núi có thể mòn và xóa sổ. Nhưng sông lẽ nào không thể chảy.

Con sông đẹp là con sông tự chảy. Nó mang trong mình phù sa được chắt ra từ mạch núi đá theo suối khe chảy về. Còn đâu những con sông không bị ốm, không mang dòng nước đỏ ngàu vì phá rừng, vì thủy điện, nạn đào vàng? Ở quê, tìm những con sông như thế rất khó như cố tìm một chút chân quê giữa lòng phố xá.

Gánh nặng cơm áo, gạo tiền và lòng tham của con người không giữ nổi những gì tươi đẹp của thiên nhiên, trong đó những con sông đều cùng chúng số phận. Điện thiếu người ta nghĩ ngay tới những con sông; cát thiếu người ta nghĩ ngay tới đáy sông. Và đào vàng sa khoáng cũng "dày vò" làm cho những dòng sông không còn tự chảy nữa. Thật buồn!

Đào vàng trên sông Đakrông. Ảnh Yên Mã Sơn


Tôi lên vùng cao huyện Đakrông, sông mang tên huyện này là con sông đẹp nằm bên dãy núi Klu hùng vĩ, xanh xanh bên chiếc cầu treo. Dòng sông này mang trong mình một chuyện tình thật đẹp của người Vân Kiều giờ nham nhở những vết thương. Từ cầu treo Đakrông đi theo đường Hồ Chí Minh vào các xã vùng sâu của địa phương này, cứ cách một đoạn là có một điểm đào vàng, có điểm có phép, có điểm trái phép.

Dòng sông này nghiễm nhiên trở thành công trường khai thác vàng sa khoáng với xe múc, máy nghiền và hàng trăm nhân công. Họ làm việc hết mình theo phương châm gói gọn trong 6 chữ như cách nói của Đại biểu Quốc hội Trương Như Tiến: "Loạn cấp phép, thả sức đào"! Nguồn nước trở lên đỏ quạch, dòng chảy thay đổi, xói lở đất, thiếu nguồn nước sinh hoạt… là hệ quả từ những công trường này.

Đãi vàng thu hút phụ nữ và trẻ em. Đẫm mình trong dòng nước đục ngàu, đám con nít đang học tiểu học đang đãi vàng dưới lòng sông cho biết phải giúp bố mẹ đãi vàng, thường xuyên trốn học đãi vàng. Vì đãi vàng lợi nhuận hơn trồng sắn trên rẫy, trồng lúa trên nương. Một ngày có thể kiếm được 50 – 70 nghìn đồng, số tiền này đủ để một nơi nghèo nàn như xứ này có thể "vung tay quá trán". Họ có thể đãi thuê cho các đầu nậu, có thể tự sắm lấy phương tiện để tự làm. Chính quyền dẹp được vài hôm rồi lại đâu vào đó. Họ hồn nhiên, hi vọng từ những nắm đất, cát đấy từng ngày. Không cần biết sông có còn chảy, lũ lụt mạnh đến đâu…

Nhưng những vết thương đó chưa đáng là gì so với những công trình thủy điện đã giáng xuống đối với những con sông. Thủy điện đã đầu tư là lợi nhuận, vừa đóng cầu giao là có tiền thì ai ai cũng muốn đầu tư. Và hậu quả là những con sông trở thành một đối tượng bị cắt, xẻ không thương tiếc. Cứ tính sơ sơ, đoạn sông Đakrông từ cầu treo và đến xã Húc Nghì có 40km mà có điện 3 công trình thủy điện đã và đang xây dựng (chưa tính thêm một công trình vừa bị rút giấy phép).

Sông thì bị cắt xén, nơi thu hẹp, chỗ nới rộng còn núi thì bị bào mòn bởi mìn, máy khoan để lấy đá. Mấy năm trước cứ đi ngang Quốc lộ 9 đến cây số 27, nơi đầu nguồn của sông Cam Lộ có những dãy núi thật đẹp. Đường 9 đoạn này băng qua một con đèo thấp, từ đèo nhìn xuống là con sông uốn lượn qua dãy núi Tá Linh. Khách du lịch khi ngang qua đây thường dừng xe chụp ảnh, ngắm cảnh.

Đó là dãy núi đá vôi đẹp có tiếng ở Quảng Trị. Thế mà bây giờ nó trở nên trắng xóa, còn lại lỗ chỗ xanh xanh của cây cối mà người ta chưa lấy đến. Như nhà nghiên cứu Hồ Đắc Duy một lần ngang qua đây đã nói khi nhìn thấy núi: "như những vết thương trên thân thể dãy Trường Sơn".

Cứ thử một lần đi qua đường Hồ Chí Minh hay Quốc lộ 1 đoạn qua mấy tỉnh miền Trung, sẽ không khó để có thể nhìn thấy những dòng sông hay những đỉnh núi như thế.

Đất nước mình nhiều sông, lắm núi. Thử hỏi có con sông nào không bị ốm? Núi đã mòn, sông đã cạn. Ôi những con sông bị ốm, những dãy núi nham nhỡ những vết thương rồi sẽ về đâu? Núi có thể mòn và xóa sổ. Nhưng sông lẽ nào không thể chảy.

Tự nhiên muốn hét lên thật to lời bài hát "chảy đi sông ơi".

Yên Mã Sơn


Theo www.baomoi.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét